Aone JSC - Sau khi Bộ GD-ĐT gửi văn bản đến các trường đại học, cao đẳng để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018. Theo đó, nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên cho rằng nên giữ nguyên phương án thi như năm 2017, chưa nên vội thay đổi.
Là một người có kinh nghiệm trong việc giảng dạy học sinh cuối cấp cũng như việc ra đề thi, thầy Lại Tiến Minh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội chia sẻ: “Khi mà Bộ GD-ĐT đưa ra việc trộn các môn lại chứng tỏ Bộ GD-ĐT đã có phương án, nhưng có điều là thời điểm nào đưa ra cho phù hợp với học sinh. Đồng thời, Bộ cũng không ghép một cách cơ học như trước nữa. Tôi cũng nghĩ, phương án trộn lại đang là xu hướng hiện nay, mà nhiều nơi trên thế giới đã làm rồi”.
“Tuy nhiên, tôi mong muốn Bộ GD-ĐT nên làm như thế nào để học sinh đỡ bị sốc. Bây giờ mà áp dụng ngay thì rất là sốc cho học sinh, thậm chí là vội vàng nếu áp dụng ngay trong năm nay. Bộ nên lùi lại đã để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị từ kiến thức cũng như ngân hàng đề thi để học sinh và giáo viên có tài liệu tham khảo”, thầy Minh nhấn mạnh.
“Đến thời điểm này kể cả học sinh và giáo viên như chúng tôi cũng đang ngày đêm ngóng trông, theo dõi từng ngày về phương án thi. Nên mong rằng Bộ GD-ĐT có chốt phương án thì có thể chốt sớm đi để học sinh và giáo viên có thể chuẩn bị. Trường hợp sử dụng phương án 2 là trộn môn thì nên chốt sớm vì đang đầu năm học thì học sinh có thời gian chuẩn bị dài hơn một chút”, thầy Minh bày tỏ.
Nên giữ nguyên phương án thi giống năm 2017 và phát huy những thế mạnh của nó đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – Nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài ra, PGS.TS Nhã nói thêm: “Bộ GD-ĐT nên cố gắng giữ kỳ thi THPT quốc gia 2018 ổn định như kỳ thi năm 2017, để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị, đỡ gây xáo trộn cũng như làm khó học sinh. Đồng thời để có một ngân hàng đề thi hoàn chỉnh cho học sinh và giáo viên tham khảo phải mất rất nhiều năm.
PGS Nhã đề nghị “Bộ GD-ĐT chỉ làm quản lý Nhà nước; các Sở giáo dục phải lo thi tốt nghiệp THPT; các hiệu trưởng bậc đại học, cao đẳng họ phải lo thi tuyển sinh chứ? Việc cần làm lúc này là Chính phủ và Bộ GD-GD, chỉ cần chỉ đạo làm tuyển sinh cho tốt, cho có chất lượng, rồi có kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ”.
Theo như phương án thi THPT quốc gia 2018 dự kiến mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến thì có ba bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và hai bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với hệ Giáo dục thường xuyên).
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng có thể chọn thi bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường đại học, cao đẳng.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT để các trường trực tiếp cho ý kiến về việc tổ chức bài thi tổ hợp và đưa ra hai phương án để các trường chọn một trong hai phương án này.
Phương án 1: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với ba đầu điểm cho từng môn thi thành phần như năm 2017.
Phương án 2: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của ba môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi (không tách thành ba đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017).
Bộ GD-ĐT lưu ý, nếu theo phương án hai, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc phải có 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán; hoặc 1 bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc điểm khác do trường lựa chọn quy định trong đề án tuyển sinh.
Bên cạnh đó, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.
Aone JSC (theo Ngô Chuyên)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét