Đăng ký

Những dấu hiệu của một hệ thống giáo dục tốt

(AONE) - Chúng ta hãy thử cùng nhau điểm xem đâu là những dấu hiệu của một nền giáo dục tốt, để rồi từ đó rút ra các kết luận về việc các nước phải cải cách hệ thống giáo dục theo những hướng nào cho tốt lên.

Giáo viên có lương cao và trình độ cao

Nếu như giáo dục đúng là quốc sách thì nhà giáo phải được coi trọng. Sự coi trọng này trước hết thể hiện qua việc các giáo viên có thu nhập cao và trình độ cao. Xin lấy hai ví dụ điển hình là Phần Lan và Hàn Quốc.

Phần Lan thường được coi là nước có nền giáo dục phổ thông tiên tiến nhất thế giới. Thu nhập bình quân của người Phần Lan đứng thứ 16-17 trên thế giới nhưng lương giáo viên của Phần Lan thì đứng thứ 8 trên thế giới và vào khoảng 42 nghìn USD một năm. Điều đó có nghĩa là tính cả về tuyệt đối và tương đối, Phần Lan trả lương cho giáo viên cao hơn so với các nước khác.


So với Phần Lan thì Hàn Quốc còn ấn tượng hơn nhiều. Nếu cách đây nửa thế kỷ, Hàn Quốc còn lạc hậu ngang với Việt Nam thời đó thì ngày nay Hàn Quốc đã trở thành một nước tiên tiến, thậm chí về nhiều mặt còn hiện đại hơn Pháp.

Ngoài chuyện có thể chế tốt, không bị kìm hãm bởi giáo điều hay tham nhũng như một số nước chậm tiến, điểm đặc biệt khiến cho Hàn Quốc phát triển mạnh chính là sự chú trọng thực sự đến khoa học công nghệ và giáo dục. Điều này thể hiện rất rõ ở mức thu nhập của giáo viên: lương trung bình của giáo viên tại Hàn Quốc đạt 47 nghìn USD một năm, đứng thứ 5 trên thế giới, trong khi thu nhập bình quân của Hàn Quốc vào khoảng 30 nghìn USD một năm, mới chỉ đứng thứ 24 trên thế giới.

Nếu so sánh tương đối, thì ở Hàn Quốc các giáo viên có lương bằng khoảng 1,3 lần lương của những người có trình độ học vấn tương đương, trong khi trên thế giới (và ngay cả ở Phần Lan) tỷ lệ này là dưới 12.

Khi các giáo viên sống được đàng hoàng bằng nghề của mình, không phải lo cái ăn suốt ngày, thì mới có thể tập trung vào chuyên môn, mới có được nhiều thời gian quan tâm đến học sinh, và mới dễ vui vẻ, hạnh phúc, truyền được lại cái hạnh phúc đó cho học sinh.

Minh bạch, không tham nhũng

Không phải vô cớ mà những nước phồn vinh nhất trên thế giới cũng là những nước minh bạch, ít tham nhũng. Đối với giáo dục cũng vậy. Ví dụ, nếu một giáo viên trẻ phải mất 500 triệu VND tiền tham nhũng mới được một chân biên chế với mức lương 30 triệu một năm (bằng cả 17 năm lương!), thì thử hỏi giáo viên đó có còn tiền để sống, để đầu tư vào bản thân, vào việc nâng cấp chuyên môn không, hay là mất nhiều thời gian hơn vào việc bươn chải kiếm sống, hoặc tệ hơn nữa là tìm các cách làm tiền không tử tế.


Như một vòng luẩn quẩn, sự tham nhũng của ngành giáo dục tạo ra xu hướng tham nhũng trong giáo viên, rồi trong từng học sinh, và khi các học sinh này trưởng thành đã quen với thói tham nhũng sẽ tiếp tục giữ xã hội trong trạng thái tham nhũng, khó tiến bộ.

Để xóa tham nhũng trong xã hội, một điểm cần chú trọng làm trước là xóa tham nhũng trong ngành giáo dục, đặc biệt là ở các cấp quản lý, để cho người thầy sống được đàng hoàng chứ không cần tham nhũng, mới truyền đạt được các giá trị tốt đẹp đến học sinh.

Trung thực, không gian dối

Ở các nước tiên tiến, sự trung thực rất được đề cao trong giáo dục. Các hành động gian dối như đạo văn và quay cóp được coi là những tội rất nặng, bị cả xã hội lên án, và có thể dẫn đến đình chỉ học tập ngay lập tức. Các sinh viên có thể cầm bài về nhà làm với lời hứa là sẽ tự làm và họ giữ đúng lời hứa không nhờ ai làm hộ.

Những nền giáo dục trung thực như vậy tạo ra những con người trung thực, đáng tin, có thể tin tưởng nhau trong công việc và ở ngoài xã hội, và đó là biểu hiện của văn minh. Ví dụ như ở Thụy Sĩ, có những quầy bán báo không có người đứng quầy, ai mua thì tự trả tiền vào hộp và tự lấy báo, như thế tiết kiệm được sức lao động, nhưng hệ thống như vậy chỉ hoạt động được khi mọi người đều trung thực.

Ngược lại với trung thực là gian dối, và nhiều khi người gian dối nhất chính là các nhà quản lý và các giáo viên “đầu têu” cho cấp dưới và học trò của mình gian dối nhằm đạt thành tích giả.

Tôi còn nhớ, khi còn bé đi học lớp vẽ ở câu lạc bộ thiếu nhi, vẽ tranh dự thi, được thầy giáo dặn là khai giảm đi một tuổi. Có thể là thầy làm thế với ý tốt, và tất cả những người khác cũng làm như vậy. Việc khai giảm tuổi của những cầu thủ bóng đá nổi tiếng ở Việt Nam chắc cũng chẳng phải do các cầu thủ đó tự nghĩ ra, mà do các ông bầu, bởi luật bất thành văn lâu nay người ta vẫn làm thế. Nhưng nếu xã hội cứ có thói quen “nói vậy mà không phải vậy” ở tất cả mọi chỗ thì về sau thật khó phân biệt thật giả, và hệ quả là đồ giả đánh bại đồ thật.

Căn bệnh hám thành tích giả và căn bệnh gian dối đi liền với nhau. Để giảm gian dối, cần loại bỏ được gốc của các thành tích giả, và áp dụng các công nghệ, quy trình kiểm tra hiện đại khiến cho học sinh có muốn cũng khó gian dối hơn.

Khai phóng, không giáo điều

Đối với nhiều học sinh trên thế giới, môn lịch sử là môn rất thú vị. Bởi học sinh ngoài việc nghe giảng, đọc sách, còn được đi tham quan các hiện vật khảo cổ, được tranh luận tự do. Và các sách học lịch sử, ví dụ như của Pháp, viết tương đối khách quan, có nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều, nhiều quan điểm, có chỉ ra những lỗi lầm của cả chính nước mình.

Ở nơi có quá nhiều khuôn mẫu, giáo điều, học sinh không được phép sáng tạo, không được phép viết theo ý của mình, kể cả khi làm văn. Hệ quả tất yếu là sẽ tạo ra những thế hệ người thụ động, mất khả năng sáng tạo và tự suy nghĩ phải trái cho mình.

Không bỏ rơi con nhà nghèo

Ngày xưa, Nhật Bản cũng là nước nghèo, nhiều gia đình không đủ ăn, và chính phủ đã cấp sữa uống miễn phí ở trường học cho trẻ em, để đứa trẻ nào cũng có điều kiện ăn học. Ngày nay, Nhật Bản đã là một nước tiên tiến phồn vinh, nhưng trẻ em của các gia đình khó khăn vẫn được ăn trưa miễn phí ở trường.

Khi chính phủ trợ cấp cho học sinh nghèo, tiền đó có thể coi là khoản đầu tư có hiệu quả, tạo ra những con người phát triển tốt hơn, đóng góp được cho xã hội nhiều hơn sau này, thay vì là nếu không được học hành, họ sẽ mãi mãi sống trong nghèo đói và cũng không đem lại được nhiều giá trị cho xã hội.


Tất nhiên các trường tư thì phải thu học phí để có tiền chi tiêu. Nhưng ngay cả các trường tư tốt ở những nước tư bản giàu như Mỹ cũng dành các suất học miễn học phí cho con em các gia đình nghèo mà có chí hướng học tập. Đó là biểu hiện của một nền giáo dục tốt.

Nhưng ở nơi nào mà người ta thương mại hóa các trường công, thu học phí cao khiến cho con nhà nghèo không thể vào học được dù nhà gần và có học lực tốt, thì đó là làm ngược lại với chính sách “không bỏ rơi con nhà nghèo”, và là biểu hiện của một nền giáo dục xuống cấp.

Thi cử đơn giản và hiệu quả

Việc kiểm tra kiến thức, hoặc thi tuyển chọn (khi số suất có ít mà số ứng cử viên lại nhiều) là cần thiết.

Nhưng một hệ thống giáo dục tốt sẽ làm sao cho những việc đó không gây tốn kém quá nhiều về thời gian và tiền của, cho cả học sinh lẫn nhà giáo. Một số ví dụ: Ở cấp tiểu học đã cần gì chấm điểm phức tạp, thay vào đó chỉ nhận xét “đã nắm vững kiến thức”, “đang nắm”, “còn chưa nắm được” là đủ.

- Ngay cả đối với sinh viên đại học, những điểm kiểm tra chính xác tới 0,25 hầu hết cũng không cần thiết, mà chỉ cần biết ở mức “nắm tốt, khá, tạm được, yếu” là đủ. Theo nghĩa này, hệ thống chấm điểm của Nga (chỉ có 4 mức điểm: 2 = trượt, 3 = đỗ trung bình, 4 = khá, 5 = giỏi) là hệ thống hiệu quả.

- Chỉ có ở những kỳ thi học sinh giỏi hoặc tuyển chọn, nơi mà hơn kém nhau chút xíu là đã phân biệt có được giải hay được chọn hay không, mới cần chấm thật chính xác li ti.

Tôn trọng, khích lệ và rèn giũa học sinh

Hiện tượng giáo viên dùng bạo lực, nhục hình với học sinh (đánh, nhốt, v.v.) vẫn còn xảy ra ở một số nơi trên thế giới, và đó là một biểu hiện của sự phản giáo dục, dù cho các giáo viên (hay phụ huynh học sinh) có làm thế với mục đích tốt chứ không có ý xấu. Bởi vì, từ quan điểm hiện đại, học sinh cũng là con người, và mỗi con người đều có phẩm giá thiêng liêng bất khả xâm phạm, cần được tôn trọng.

Có những vị giáo sư thóa mạ sinh viên thậm tệ, ví dụ như viết vào bài kiểm tra làm không tốt những câu bình luận “anh là mối nguy hiểm cho xã hội, chị đi học làm gì cho phí cơm”. Đây cũng là một kiểu bạo lực, bạo lực về tinh thần.

Tôn trọng trẻ em (và sinh viên), không đánh trẻ em, không chì chiết thóa mạ trẻ em, không có nghĩa là bất lực không rèn được trẻ em, mà chỉ có nghĩa là các nhà giáo và các cha mẹ cần động não nhiều hơn, tìm ra các hình thức rèn giũa trẻ em không bạo lực mà hiệu quả hơn.

Không bạo lực không có nghĩa là mềm yếu. Không bạo lực nhưng vẫn có thể kiên quyết, cứng rắn, thể hiện thái độ rõ ràng, rèn học sinh vào kỷ luật, trong khi vẫn tỏ ra tôn trọng và yêu mến học sinh. Trẻ em vừa cần được tôn trọng và khích lệ, và vừa cần được rèn giũa.

Có nhiều lựa chọn cho học sinh

Một hệ thống giáo dục tốt phải có nhiều lựa chọn về chương trình khác nhau cho nhiều loại học sinh khác nhau, chứ không chỉ có mỗi một chương trình chung bắt tất cả phải “gọt chân cho vừa giày”. Ví dụ như việc phân ban ở PTTH là một biểu hiện tốt để học sinh có lựa chọn ban nào phù hợp với mình nhất (và tất nhiên có thể chuyển từ ban này sang ban khác nếu thấy ban khác hợp hơn).

Việc có các chương trình thích ứng với hoàn cảnh của các học sinh ở miền núi, khác với chương trình cho học sinh ở thành thị, cũng là một điều cần thiết đối với một hệ thống giáo dục tốt, trong khi điều kiện ở miền núi quá khác xa so với điều kiện ở thành thị. Và những học sinh có năng khiếu đặc biệt có chương trình đặc biệt để phát triển năng khiếu, cũng là dấu hiệu của một hệ thống giáo dục tốt nên cấm các trường năng khiếu sẽ là chính sách giáo dục tồi.

Ngay đối với sách giáo khoa, việc có nhiều bộ sách khác nhau để học sinh và giáo viên có thể lựa chọn bộ nào thích hợp với mình nhất cũng là biểu hiện của một nền giáo dục tốt. Nếu các sách giáo khoa bị độc quyền, có mỗi một bộ, không có gì để chọn, thì dù cho bộ đó có hay mấy cũng không thể thích hợp với toàn bộ các học sinh, và hơn nữa sự độc quyền thường kéo theo trì trệ, khó có chất lượng cao.

Chú trọng cả tinh thần và thể chất

Một bộ óc dù có thông minh đến mấy nhưng đặt trong một cơ thể ốm yếu dễ mệt mỏi thì cũng khó có sức để làm được nhiều điều hay ho. Bởi vậy, thể chất quan trọng không kém gì tinh thần, và học sinh cần được tạo điều kiện, tạo thói quen rèn luyện sức khỏe từ bé, để lớn lên có cuộc sống khỏe mạnh ít bệnh tật, vui vẻ và hữu ích.

Trẻ em bình thường nói chung là ham hoạt động, và chỉ lười biếng đi khi không được khuyến khích và không có điều kiện để hoạt động, lâu ngày mất dần thói quen. Các trường học trong một hệ thống giáo dục tốt sẽ có sân chơi rộng, phòng tập thể dục thể thao, v.v. Ở Pháp, tất cả các học sinh đều được trường cho học bơi, và đây là một điểm hay của nền giáo dục Pháp.

Nếu như ở trường không có nhiều điều kiện cho các học sinh luyện tập thể thao, thì các gia đình cần tự cho con mình đi tập thể thao ngoài giờ để bù vào.

Kết hợp hài hoà giữa ở trường và ở nhà

Hầu hết các kiến thức học ở trường, với sự hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô và thảo luận cùng bạn bè, là những kiến thức bổ ích mà học ở trường hiệu quả hơn nhiều so với tự học ở nhà không có người hướng dẫn. Nhưng cũng có những kiến thức, kỹ năng quan trọng mà ở trường ít có điều kiện dạy, cần được học ở nhà hay học ngoại khóa ở nơi khác, ví dụ như nấu ăn hay chơi đàn.

Bởi vậy một nền giáo dục tốt sẽ kết hợp hài hòa giữa học ở trường và học ở nhà: trường đảm bảo những cái gì mà học ở trường là hiệu quả nhất, những cái còn lại là học ở nhà hoặc học ngoại khóa.

Cũng chính vì vậy, trẻ em cần nhiều thời gian dành cho những thứ khác so với những thứ học ở trường: các môn nghệ thuật, thể thao ngoại khóa, nấu nướng, tự phục vụ bản thân, v.v. Và như vậy, ở trường không nên giao quá nhiều bài về nhà cho học sinh, và học sinh cũng không nên mất quá nhiều thời gian vào việc đi học thêm (những thứ về nguyên tắc phải được học ở trường), mà nên dành thời gian cho các hoạt động vui chơi và học tập khác mà nếu chỉ học theo chương trình ở trường thôi thì sẽ bị thiếu.

Liên tục đổi mới và nâng cấp chất lượng

Quá trình đổi mới của một hệ thống giáo dục tốt là một quá trình liên tục và hài hòa, thay dần những công nghệ, quy trình, sản phẩm, cách thức cũ bằng những cái mới tốt hơn, chứ không phải là một quá trình giật cục lâu lâu lại “đại cải cách” một lần.

Ví dụ như sách giáo khoa, trong một hệ thống giáo dục tốt thì mỗi năm sách lại được chỉnh sửa cải tiến một chút, cập nhật số liệu và kiến thức, v.v., chứ không phải là cứ đợi 10 năm mới lại có một đợt cải cách thay đổi toàn bộ.

Các công nghệ mới, thành tựu mới của thế giới cũng cần được liên tục đưa vào hệ thống giáo dục. Ví dụ như, việc sử dụng các công cụ máy tính ngày càng phổ biến, và cần được đưa vào dùng trong nhà trường những thứ hiện đại thay vì những thứ cổ lỗ.

Tất nhiên, việc nâng cấp chất lượng liên tục này bao gồm cả việc tăng thu nhập cho giáo viên, và việc nâng cao trình độ giáo viên qua các khóa học.

Cơ chế tốt và người quản lý tử tế

Như chúng ta thấy, có rất nhiều biểu hiện của một nền giáo dục tốt, và các biểu hiện đó có thể được dùng như những cái cột mốc để bám víu vào nhằm đẩy giáo dục đi lên. Nhưng có thực hiện được không, điều này phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế và người quản lý tử tế, thực sự có trình độ và tâm huyết, hiểu biết về giáo dục, và cơ chế thích hợp, thì nền giáo dục mới có thể tốt lên được.
Share on Google Plus

Giới thiệu Unknown

Trung tâm Anh ngữ và Bồi dưỡng văn hóa Aone trực thuộc Công ty cổ phần giải pháp tổng hợp Aone, cung cấp các khóa học tiếng Anh với sự hướng dẫn của Giáo viên nước ngoài; bồi dưỡng học sinh các môn Toán, Lý, Hóa khối Trung học phổ thông và các khóa kỹ năng mềm do những Chuyên gia hàng đầu trực tiếp giảng dạy.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét