Aone JSC - Các chủ đề Vật lý phải được trình bày sao cho nổi rõ được bản chất, ý nghĩa vật lý và thực tiễn của chúng, tránh lạm dụng toán học.
Theo dự thảo chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây, chương trình môn Vật lý được định hướng xây dựng nhằm giúp học sinh phát triển năng lực thông qua thực hành và có tính hướng nghiệp rất cao.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh - Chủ biên chương trình môn Vật lý cho hay, chương trình môn Vật lý được phân bố ở cả ba cấp học với các mức độ khác nhau, thông qua các môn học:
Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Khoa học (lớp 4 và lớp 5); Khoa học tự nhiên (Trung học cơ sở); Vật lý (trung học phổ thông).
Chương trình được thiết kế chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học;
Tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Các chủ đề Vật lý phải được trình bày sao cho nổi rõ được bản chất, ý nghĩa vật lý và thực tiễn của chúng, tránh lạm dụng toán học. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
Các phương pháp giáo dục của môn Vật lý góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý (năng lực vật lý) cũng như góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Cũng theo Chủ biên chương trình môn Vật lý, cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học.
Sử dụng cách đánh giá qua sản phẩm thực hành
Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh, chương trình tạo điều kiện để chú trọng tập trung đánh giá các thành phần của năng lực vật lý.
Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm, các kỹ năng thực hành và năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên chương trình quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh (ví dụ sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp (ví dụ STEM).
Chương trình có cấu trúc nội dung cũng như yêu cầu cần đạt về cơ bản là giống nhau cho tất cả các vùng, miền.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản trong tìm tòi, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.
Sách giáo khoa phải thể hiện được tinh thần đổi mới
Căn cứ vào nội dung cốt lõi và yêu cầu cần đạt của chương trình, Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh kiến nghị, người biên soạn sách giáo khoa phải thể hiện được tinh thần đổi mới của chương trình, từ phương pháp tiếp cận đến cấu trúc, nội dung.
Các chủ đề phải được trình bày sao cho nổi rõ được bản chất, ý nghĩa vật lý và thực tiễn của chúng, tránh lạm dụng toán học đồng thời tạo được điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Chương trình có định hướng phát triển năng lực và định hướng dạy học phân hóa.
Do vậy, sách giáo khoa phải được biên soạn có cấu trúc thể hiện rõ yêu cầu cần đạt ở những mức độ khác nhau (theo thang nhận thức và mức độ kỹ năng) hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực đã được đề cập trong chương trình và phải tạo cho người dạy thuận tiện trong việc tổ chức dạy học cho các đối tượng khác nhau.
Aone JSC - Theo: Linh Hương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét