Hệ thống Trung tâm Anh ngữ Aone & Uge - Giữa một thế giới đang ngày càng phẳng, ngoại ngữ không chỉ là phương tiện bắt buộc phải có trên con đường sự nghiệp của con sau này mà còn có rất nhiều lợi ích khác.
Học ngôn ngữ giúp con có trí tưởng tượng tốt hơn, tư duy linh hoạt, nhạy cảm với ngôn ngữ và có tai nghe tốt hơn. Học ngoại ngữ giúp bé hiểu hơn về tiếng mẹ đẻ, là cánh cửa đưa con đến với nền văn hóa khác, giúp con hiểu và trân trọng sự khác biệt của con người ở các quốc gia khác nhau.
Khi nào nên bắt đầu?
Câu trả lời cho câu hỏi này vô cùng đơn giản: “Càng sớm càng tốt”.
Thông thường, khi nói đến thời điểm nên cho trẻ học tiếng Anh, không ít bậc cha mẹ cho rằng chưa nói, chưa hiểu sõi tiếng mẹ đẻ thì làm sao mà học được, trẻ học 2 thứ tiếng cùng lúc dễ sinh ra loạn, không ngôn ngữ nào ra ngô ra khoai, pha tạp lung tung, sau này học cũng được, thời mình có mấy ai được học sớm đâu mà vẫn thành tài đấy thôi!
Nhưng đó là góc nhìn của người trưởng thành – những người đã vô tình quên mất khả năng kỳ diệu của trẻ nhỏ.
Hãy thử nhìn vào cách một đứa trẻ học nói ở năm đầu tiên của cuộc đời. Không có gene nào quy định đứa trẻ người Việt khi sinh ra sẽ chỉ biết nói tiếng Việt, hay đứa trẻ người Anh sẽ chỉ biết nói tiếng Anh. Cũng không có cha mẹ nào dạy con nói bằng cách lôi sách vở ra giảng về từ vựng hay ngữ pháp.
Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng sinh ra với khả năng bắt chước âm thanh của bất kỳ ngôn ngữ nào trong tổng số hơn 6.000 ngôn ngữ tồn tại trên toàn thế giới. Học ngôn ngữ là một quá trình xử lý âm thanh. Toàn bộ ngôn ngữ trên thế giới là sự kết hợp của khoảng hơn 800 âm thanh. Mỗi ngôn ngữ chỉ sử dụng khoảng 40 âm thanh ngôn ngữ, hay còn gọi là âm vị – thứ phân biệt các ngôn ngữ với nhau.
Và não trẻ mới sinh có một món quà đáng kinh ngạc: có thể phân biệt toàn bộ hơn 800 âm thanh. Điều đó có nghĩa là không bao giờ là quá sớm để cho trẻ học ngoại ngữ. Đến khoảng 10 tháng tuổi, dải âm thanh của trẻ bắt đầu bị thu hẹp, chỉ còn lại những âm thanh quen thuộc mà trẻ thường nghe thấy.
Chính vì thế, các bậc cha mẹ hãy sớm tận dụng khả năng tiếp thu ngôn ngữ đáng ngạc nhiên của trẻ!
Với các nỗi lo, các nhà khoa học khẳng định trẻ hoàn toàn không hề bị rối loạn khi học nhiều ngôn ngữ cùng lúc.
“Ngay từ khi sinh ra, tất cả trẻ sơ sinh đều có thể phân biệt rõ ràng sự khác biệt của các ngôn ngữ, nhất là những ngôn ngữ thực sự khác nhau, chẳng hạn tiếng Pháp và tiếng Ảrập. Khi còn nhỏ, trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt 2 ngôn ngữ có nhiều sự tương đồng, như tiếng Anh và tiếng Hà Lan. Tuy nhiên, đến khoảng 6 tháng tuổi, chúng hoàn toàn có thể phân biệt được 2 ngôn ngữ” – Barbara Zurer Pearson, tác giả Raising a bilingual child (Nuôi dưỡng một đứa trẻ song ngữ) chia sẻ.
Với việc pha trộn nhiều thứ tiếng khi nói, các nhà khoa học khẳng định đó là một quá trình tự nhiên của việc phát triển ngôn ngữ và chỉ có tính chất tạm thời.
Thời điểm tốt để bé học tiếng Anh
Không bao giờ là quá sớm để cho trẻ học ngôn ngữ thứ 2. Các chuyên gia khẳng định, thời điểm vàng cho trẻ học tiếng là từ khi sinh đến năm 3 tuổi – trùng khớp với thời điểm trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ. Khi đó, tâm trí trẻ vẫn rất mở và vô cùng linh hoạt.
Thời điểm tốt thứ 2 là giai đoạn 4 – 7 tuổi, bởi trẻ vẫn có khả năng xử lý đa ngôn ngữ song song. Nói cách khác, trẻ có thể xây dựng hệ thống ngôn ngữ thứ 2 bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ và nói như người bản ngữ.
Thời điểm tốt thứ 3 là giai đoạn 8 tuổi đến khi dậy thì. Sau thời điểm dậy thì, ngôn ngữ mới sẽ được lưu trữ ở một vùng tách biệt trong não, vì vậy trẻ thường sẽ phải tư duy ngôn ngữ thứ 2 thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ.
Tuy nhiên, cũng không bao giờ là quá muộn khi trẻ đã qua giai đoạn vàng. Học hành, nhất là học ngôn ngữ, là một cách phát triển trí não rất tốt. Dĩ nhiên, học muộn sẽ khiến trẻ phải mất nhiều nỗ lực hơn và cũng khó đạt được mức độ nói thuần thục như người bản ngữ.
Trẻ học tiếng Anh thế nào thì hiệu quả?
Hãy nhìn vào cách chúng ta học tiếng mẹ đẻ từ lúc sinh ra và lớn lên để thấy được cách học hiệu quả nhất. Đó chính là học Nghe nói trước, đọc viết sau. Đó là giao tiếp, tiếp xúc hàng ngày, là những cuộc hội thoại giữa đời thường. Và người tương tác với trẻ tốt nhất nên là người bản ngữ hoặc người có phát âm tiếng Anh chuẩn.
Nếu người nói tiếng bản ngữ này là cha hoặc mẹ thì quá tuyệt. Bạn có thể áp dụng phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ” với bé. Chẳng hạn, mẹ Việt ba Anh thì khi nói chuyện với bé, mẹ sẽ nói tiếng Việt còn ba nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, nếu bản thân cha mẹ không biết hoặc không đủ tự tin về khả năng ngôn ngữ để dạy con thì giúp con học cũng không phải là điều không thể. Nhiều trường mầm non có chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, học song ngữ với những giờ tiếng Anh do giáo viên Việt Nam hoặc nước ngoài đảm nhiệm. Ở Koolkid, trẻ học tiếng Anh với giáo viên người Anh từ khi bắt đầu bước sang 2 tuổi để hình thành kỹ năng phát âm với giọng Anh chuẩn. Chương trình học quốc tế với định hướng STEAM được triển khai bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt giúp bé học và hiểu ngôn ngữ trong bối cảnh hoạt động học cụ thể. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho con học thêm ở ngoài. Với lựa chọn này, các bậc phụ huynh nên để ý một số tiêu chí như lớp do giáo viên bản xứ dạy hoặc người Việt có phát âm tiếng Anh chuẩn (là yếu tố quan trọng giúp bé có thể phát âm chuẩn vì phát âm sai sau này sẽ rất khó sửa), lớp học vui và hấp dẫn với bé (các lớp học tốt cho bé thường sử dụng âm nhạc, nghệ thuật, game, có hoạt động học tập sôi nổi…), quy mô lớp và độ dài tiết học phù hợp với trẻ (6 – 8 trẻ, 45 – 90 phút).
Ngoài ra, hãy khuyến khích con kết bạn với người nước ngoài. DVD, chương trình truyền hình, sách, tạp chí,… tất cả đều rất hữu ích. Có rất nhiều kênh Youtube với những bài hát vui nhộn phù hợp cho bé nghe và học như Super Simple song, Little Baby Bum, LooLoo Kids, Sunny Bunnies… Bố mẹ cũng có thể cho con xem những bộ phim hoạt hình Disney hoặc Pixar hoặc bất kì phim hoạt hình tiếng Anh nào mà bạn thấy nội dung phù hợp, nhân văn để cho bé xem.
Bố mẹ nên cho bé xem phiên bản không lồng tiếng Việt để bé tiếp xúc với tiếng Anh thường xuyên, hình thành phản xạ ngôn ngữ tốt hơn.
Cho dù phương pháp bạn chọn là gì, hãy cứ mạnh dạn! Cho con tiếp xúc với các ngôn ngữ khác là bạn đang dành tặng con một món quà tuyệt vời của tri thức, của văn hóa! Hãy biến con đường học tiếng thành một cuộc phiêu lưu thú vị của cả gia đình!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét