Đăng ký

5 điều giúp sĩ tử không cần học thuộc vẫn đạt ít nhất 7 điểm môn Ngữ văn

Aone JSC - Nếu thí sinh chỉ ôn thi khối A, B mà thiếu tự tin với môn Ngữ văn, đây sẽ là những góp ý bổ ích cho các bạn tham khảo để giành điểm khi làm bài thi Ngữ văn THPT.

Chỉ còn khoảng ba tuần nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018. Là một giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định), thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh đã có những góp ý với các thí sinh để làm bài thi môn Văn hiệu quả.

Thầy giáo Trịnh Văn Quỳnh vừa đưa ra một số góp ý để thí sinh giành được điểm cao môn Ngữ văn THPT. Ảnh: NVCC.
Với nhiều thí sinh khối A, B hay các em chưa dành nhiều thời gian để ôn tập cũng không quá lo lắng. Nhiều nội dung kiến thức chỉ đòi hỏi kĩ năng làm bài, khả năng tư duy, hiểu biết thực tiễn không đòi hỏi ghi nhớ máy móc xã hội. Vì vậy, nếu học sinh nghiêm túc làm bài đều có thể đạt trên 6 - 7 điểm mà không cần học thuộc quá nhiều. Dưới đây là 5 điểm lưu ý trong quá trình làm bài và cần rà soát lại sau khi làm để tránh mất điểm oan.

1. Hình thức rất quan trọng

Trình bày rõ ràng, khoa học là một điều rất cần thiết. Điều đó thể hiện ở việc trình bày các đề mục, sau các đề mục phải có dấu hai chấm, xuống dòng; khi xuống dòng cần phải lùi đầu dòng 2 – 3 ô; thường xuyên xuống dòng khi tách ý, hết luận điểm, căn trái và căn phải thẳng hàng, tạo nhiều khoảng trống trong bài làm để bài viết thoáng hơn.

Khi làm sai chỉ nên gạch chân, tránh tẩy xóa, gạch đi gạch lại nhiều lần. Chữ viết có thể xấu nhưng phải dễ đọc, trình bày rành mạch, rõ ý sẽ tạo được thiện cảm cho người chấm.

Sau khi chấm điểm nội dung, giáo viên sẽ xem lại một lượt để chấm điểm hình thức. Sai chính tả là một điều tối kị, thí sinh sẽ bị trừ 0,5 điểm nếu có nhiều lỗi lặp lại. Phần nghị luận xã hội nếu viết đoạn văn không hoàn chỉnh xuống dòng khi viết sẽ bị trừ 0,5; phần nghị luận văn học nếu thiếu kết luận hay thiếu đánh giá nghệ thuật bạn cũng sẽ bị trừ 0,5 điểm.

2. Hình thức không quyết định tất cả

Các thí sinh quá coi trọng hình thức trình bày có thể mất thời gian, không cần thiết. Học sinh trả lời bằng việc gạch đầu dòng, tách ý hay viết đoạn khi làm đọc hiểu đều hiệu quả. Trình bày ngắn gọn, đúng ý, trúng ý là điều tốt nhất. Giáo viên thường tìm kiếm các từ khóa để cho điểm. Vì vậy, các em hãy hạn chế cách dẫn dắt dài dòng, không cần thiết.

Đối với phần đọc hiểu, đề bài chỉ yêu cầu khả năng tìm kiếm, thông hiểu và phản hồi thông tin nên không đánh giá cách hành văn, học sinh không nên dành nhiều thời gian để diễn đạt phần này.

3. Ngắn gọn, đủ ý là điều kiện tiên quyết

Tâm thái khi bước vào phòng thi cũng rất quan trọng cùng với kiến thức vững vàng để giúp thí sinh làm bài tốt. Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Đề thi Ngữ văn trong những năm gần đây có nhiều thay đổi từ 3 câu lớn thành nhiều câu nhỏ, trong các câu hỏi đều có các ý nhỏ. Giáo viên khi chấm thường có xu hướng đếm ý cho điểm. Vì vậy, học sinh lưu ý một số cách trả lời:

Đối với câu hỏi tìm kiếm, liệt kê hãy đưa ra tất cả các phương án nghi ngờ, nếu thừa ra một số ý so với đáp án thì cũng không bị trừ điểm.

Đối với câu hỏi nêu ý kiến đồng tình hay không đồng tình, học sinh phải tách thành hai ý nêu quan điểm của bản thân và trình bày lí do. Hãy đưa ra 2 – 3 lí do rõ ràng, thuyết phục, không trùng lặp.

Đối với câu hỏi rút ra bài học nên đưa ra bài học nhận thức (những kinh nghiệm, tư tưởng, đạo lý mà em học được) và bài học hành động (em sẽ làm gì để thay đổi).

Đối với phần nghị luận xã hội nên viết 20 – 25 dòng phải đảm bảo đủ 5 ý: Giải thích, phân tích, bình luận, dẫn chứng, bài học (trả lời các câu hỏi cái gì, vì sao, như thế nào, ai, làm thế nào?).

Đối với phần nghị luận văn học, dù dạng đề nào cũng cần chú ý sử dụng các thao tác lập luận nào. Ngoài phân tích, chứng minh, các em cần chú ý nếu có các từ khóa, thuật ngữ, câu nói, nhận định thì phải giải thích, nếu có ý kiến thì phải bình luận đúng sai; nếu có quan điểm trái chiều, có hai đối tượng thì phải so sánh.

4. Diễn đạt chau chuốt, có cảm xúc là một điểm cộng

Phần làm văn phát huy nhiều nhất khả năng diễn đạt. Do đó, các sĩ tử chú ý đến cách viết phát huy được sự liên tưởng, cảm thụ. Ngay cả khi đề bài không đòi hỏi liên hệ so sánh thì các em cũng nên có ý thức liên hệ so sánh để đưa ra đánh giá, nhận xét, nâng cao vấn đề.

Phần kiến thức lí luận, thi pháp về giai đoạn văn học, đặc điểm khuynh hướng, quan niệm nghệ thuật, phong cách tác giả không được đáp án cho điểm nhưng sẽ là căn cứ để học sinh lí giải và bình luận vấn đề. Bài làm sẽ đạt điểm cao nếu có nền tảng kiến thức vững vàng, sâu sắc.

Đặc biệt cần tránh cách diễn đạt máy móc, sáo rỗng, không chân thành. Ví dụ như là một học sinh em sẽ... là thế hệ tương lai của đất nước em sẽ... Hãy thể hiện bạn là một người trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm.

Trước khi thi một tuần, thí sinh nên tự viết lại ý chính các bài ra giấy, nên học căn bản và ngắn gọn. Khi vào phòng thi nên gạch ý nhanh ra giấy nháp trước khi viết để đảm bảo bố cục, tránh thiếu ý, tự diễn đạt theo cảm xúc riêng của cá nhân. Tránh học thuộc máy móc y nguyên bài giảng của thầy cô trên lớp vì dễ quên, không chủ động khi viết bài, kiến thức nặng nề không thể học hết.

Nếu không nhớ được phân tích, học sinh phải bám sát nhân vật, cốt truyện, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để tránh suy diễn, sáng tạo thêm.

5. Chuẩn bị sẵn một vài 'bảo bối' làm bài

Đề thi những năm gần đây đều ra theo hướng mở, sát với thực tiễn. Hãy chuẩn bị kĩ càng cho mình những dẫn chứng thực tế trong đời sống gần đây, những câu nói của người nổi tiếng mà mình tâm huyết để bài làm trở nên sâu sắc, ấn tượng hơn. Xem lại, gạch chân các dẫn chứng nghị luận văn học để đảm bảo đã nhớ chúng chính xác. Sẵn sàng một vài mở bài, kết luận mà mình tâm đắc.

Những nhận định có tính chất lí luận, câu nói của tác giả, đánh giá của các nhà nghiên cứu cũng có thể được trích dẫn để bài làm có giá trị. Những dẫn chứng mở rộng cần viết chính xác, nếu không chắc chắn thì không nên đưa vào bài làm. Nằm lòng những kiến thức này thì viết sẽ rất nhanh, ý tự khắc sẽ trôi chảy.

Cuối cùng, hãy xem lại kiến thức cơ bản để đảm bảo chắc chắn mọi thứ. Đó là bí quyết giúp bạn tự tin mỉm cười làm bài. Các kiến thức đó có thể là: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận... trong chương trình lớp 11 và 12.

Khi làm bài hãy nhớ luôn bình tĩnh tự tin, căn thời gian hợp lý làm bài. Đề thi sẽ phân hóa các câu hỏi từ dễ đến khó, độ khó cũng được cân nhắc phù hợp với tất cả các đối tượng, các câu hỏi sẽ rất rõ ràng không nhập nhằng các ý, không có các câu hỏi đánh bẫy, đố mẹo.

Đáp án được thiết kế mở, nhiều câu hỏi sẽ không quy định câu trả lời cụ thể mà để thí sinh tự tư duy trả lời theo cách riêng, đáp án cũng sẽ đưa ra nhiều phương án để bao quát các câu trả lời của học sinh, chỉ cần trả lời 2/3 ý trong đáp án là đã có điểm. Hãy phát huy hết những gì được ôn tập và rèn luyện để làm bài và vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc nhất.

Aone JSC - Nguồn: vietnammoi


Share on Google Plus

Giới thiệu Unknown

Trung tâm Anh ngữ và Bồi dưỡng văn hóa Aone trực thuộc Công ty cổ phần giải pháp tổng hợp Aone, cung cấp các khóa học tiếng Anh với sự hướng dẫn của Giáo viên nước ngoài; bồi dưỡng học sinh các môn Toán, Lý, Hóa khối Trung học phổ thông và các khóa kỹ năng mềm do những Chuyên gia hàng đầu trực tiếp giảng dạy.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét